Giá heo ảm đạm, người chăn nuôi khó khăn

932 lượt xem

Nhiều người chăn nuôi đang gặp tổn thất lớn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho mỗi con heo 100 kg khi xuất chuồng. Tình trạng này đã kéo dài hơn một năm, dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi phải giảm đàn hoặc treo chuồng. Đáng chú ý, hiện tại không có tín hiệu cho thấy xu thế này sẽ dừng lại trong tương lai gần.

Nông hộ giảm đàn, treo chuồng

Trong thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục giảm sàn, từ mức 50.000 đồng/kg xuống 49.000 và tiếp tục giảm xuống 48.000 đồng. Hiện tình trạng giảm giá đã lan rộng sang nhiều địa phương thay vì chỉ cục bộ như trước đây. Trong khi đó, giá trần chỉ ở mức 53.000 đồng/kg. Sự lan rộng của giá sàn làm cho thị phần với giá trần càng bị thu hẹp. Hiện nay, mức giá trần vẫn thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (H.Củ Chi, TP.HCM), rầu rĩ: Cả năm qua, giá heo hơi luôn ở mức thấp. Để giảm lỗ, HTX đã tìm mọi cách cải tiến để tiết kiệm chi phí nhưng giá thành vẫn ở mức tối thiểu 55.000 – 56.000 đồng/kg vì thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. “Heo hơi 50.000 – 51.000 đồng là giá bán của các công ty, giá heo trong dân còn thấp hơn vài ba ngàn đồng. Bán một con heo, người chăn nuôi đang lỗ ít nhất 500.000 đồng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay xu hướng giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến họ rất lo lắng. Để cắt lỗ, nhiều hộ phải giảm đàn hoặc treo chuồng. Tổng đàn heo của HTX giảm khoảng 30%. Còn số hộ treo chuồng khoảng 20%”, ông Thắng cho biết.

thit heo

Một thương hiệu lớn bán thịt heo đã thông báo giảm giá 30% cho tất cả các loại thịt bởi giá heo hơi giảm. Giá cụ thể của các loại thịt như sau: ba rọi giảm xuống còn 135.000 đồng/kg, cốt lết giảm xuống còn 90.000 đồng/kg, sườn non giảm xuống còn 190.000 đồng/kg, thịt đùi giảm xuống còn 90.000 đồng/kg. Hệ thống siêu thị MM (Mega Market) cho biết trong xu hướng giảm giá thịt heo bán lẻ, họ đã tiêu thụ khoảng 30 tấn thịt heo mỗi ngày. Để kích thích tiêu dùng thịt heo, từ ngày 24.2, hệ thống siêu

thị MM sẽ áp dụng chương trình giá “sốc” cho sản phẩm thịt heo hợp tác với bà con nông dân. Giá thịt heo thấp nhất sẽ là 79.000 đồng/kg ở khu vực miền Nam và Trung và 89.000 đồng/kg ở miền Bắc.

Trên các diễn đàn chăn nuôi, nhiều trại chăn nuôi heo quy mô hàng chục héc ta ở vùng Đông Nam bộ hay Nam Tây Nguyên với đầy đủ cơ sở hạ tầng đã được rao bán. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, hiện nay cũng có nhiều người đăng tin rao bán trại quy mô hàng chục ngàn con heo. Tuy nhiên, phần lớn những người này là các nhà đầu tư trang trại để nuôi gia công hoặc cho thuê cho các doanh nghiệp (DN) lớn nuôi heo.

Với thị trường yếu thế hiện tại, các DN đầu mối không thuê hoặc siết chặt các điều khoản hợp đồng, làm cho các nhà đầu tư trang trại đành phải rao bán để cắt giảm thiệt hại. Theo ông Công, các DN lớn đầu ngành thường không gặp khó khăn bởi họ có thể tự chủ động được nguồn thức ăn nhập khẩu lớn với giá cạnh tranh và năng suất chăn nuôi cao.

Ông Công phân tích: Theo thống kê của ngành nông nghiệp, quy mô chăn nuôi nông hộ của VN hiện khoảng 2 triệu hộ. Đây là đối tượng đáng lo nhất vì đang gánh lỗ kéo dài, nhất là những nông hộ có quy mô 200 – 300 con. Hiện nay, trong khi khối DN năng suất đã tăng lên và đạt 25 – 26 con heo thịt/heo nái/năm thì nông hộ vẫn chỉ 18 – 19 con/heo nái/năm. Thời gian gần đây, ngoài chi phí thức ăn tăng cao thì tình hình dịch bệnh (nhất là dịch tả heo châu Phi) cũng góp phần làm tăng giá thành chăn nuôi. Trước đây với quy mô đàn 100 con thì tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi khoảng 3%, nay tăng lên 10%. Chính vì vậy, nếu tính đúng tính đủ thì nay một con heo xuất chuồng người chăn nuôi có thể lỗ đến 1 triệu đồng/con.

Khó khăn còn kéo dài

Nhiều người đang tính đến việc xuất khẩu thịt heo để cứu giá trong bối cảnh thị trường trong nước đang ế ẩm. Tuy nhiên, điều này không khả thi bởi giá heo hơi của Việt Nam và một số nước trong khu vực đều ở mức thấp. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất Trung Quốc cũng đang gặp khó về đầu ra và giá. Hiện nước này đang xem xét thu mua cấp đông để giải quyết vấn đề giá cả.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), lý giải giá heo hơi thời gian qua giảm do cung vượt cầu. Trong khi đó, sức mua yếu do kinh tế khó khăn và phần lớn thu nhập của người lao động bị giảm so với trước. “Vấn đề hiện tại là đầu ra thì vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào cả. Tôi cũng không nghĩ việc thu mua cấp đông tạm trữ là một giải pháp tốt vì cần có vốn, hạ tầng kho bãi. Quan trọng hơn, sau đó liệu thịt đông lạnh có được người tiêu dùng chấp nhận? Năm 2017, ngành chăn nuôi heo cũng gặp khó khăn về đầu ra và giải pháp thu mua cấp đông tạm trữ đã được tính đến nhưng không mang lại hiệu quả “, ông An phân tích.

heo hoi

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giảm, giá tăng

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 1.2023 đạt 377 triệu USD, giảm 35,5% so với tháng 12.2022 nhưng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do giá nhập khẩu tăng.

Cụ thể nhập khẩu bắp các loại tháng 1.2023 đạt 804.000 tấn, trị giá gần 269 triệu USD, giá trung bình 334,8 USD/tấn. So với tháng 1.2022 giảm 24% về lượng, giảm 21% về kim ngạch nhưng tăng 5% về giá.

Nhập khẩu đậu nành tháng 1.2023 đạt 68.702 tấn, tương đương 46 triệu USD, giá trung bình 671,8 USD/tấn. So với tháng 1.2022 giảm mạnh 63% về lượng, giảm 59% về kim ngạch nhưng tăng 10,4% về giá.

Theo ông Nguyễn Trí Công, chăn nuôi nông hộ cũng đóng một vai trò quan trọng vì giải quyết vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội cũng như tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, chúng ta lại đang đối mặt với 2 vấn đề quan trọng là thiếu thông tin thị trường và trình độ sản xuất lạc hậu. “Các cơ quan chức năng như bộ Công thương, NN-PTNT cần tăng cường đầu tư vào công tác thông tin như tổng đàn và dự báo thị trường ít nhất từ 3 – 6 tháng một cách chính xác cho người dân. Bên cạnh đó, tập hợp các nông hộ chăn nuôi vào các tổ chức hợp tác, HTX để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào nhằm tăng năng suất, giảm giá thành”, ông Công nói.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nhận định trước khi Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19, giá heo hơi của họ cao hơn VN khoảng gần 20.000 đồng/kg. Khi họ mở cửa trở lại, nhiều người cũng hy vọng là tín hiệu tích cực giúp giá heo của VN tăng. Tuy nhiên bất ngờ là giá heo của họ lại rớt xuống bằng với giá VN. Đây cũng là xu hướng giá chung của nhiều thị trường khác trong khu vực. Kinh tế vĩ mô gặp khó khăn và sức mua yếu làm giá heo VN cũng như các nước thấp, trong khi giá thành chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu giảm và hiện chưa thấy tín hiệu lạc quan nào cho ngành chăn nuôi.

“Các DN, người chăn nuôi cố gắng và chủ động khắc phục khó khăn, giảm chi phí để cầm cự qua giai đoạn này. Ở góc độ quản lý, nhà nước đã hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách giảm thuế nhập khẩu lúa mì và bắp nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Hiện nay trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi chỉ còn khô dầu đậu nành nhập khẩu chịu thuế 2%. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi”, ông Chinh cho hay.

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!