Thu nhập khá từ nuôi chim cút

1851 lượt xem

“Mỗi năm gia đình tôi đưa vào nuôi 2 lứa chim cút giống sinh sản, mỗi lứa từ 6.000- 8.000 con, cứ sau 1,5 tháng thì cho thu hoạch trứng. Thu nhập bình quân từ bán trứng khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Chưa kể cứ 6 tháng sẽ xuất bán 1 đợt chim cút thương phẩm, thu được khoảng 65 triệu đồng. Sau khi trừ hết mọi chi phí, tính ra gia đình tôi lãi từ mô hình kinh tế này khoảng 150 triệu đồng/năm”- anh Hoàng Văn Kim (sinh năm 1988), chủ trang trại chim cút tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết về hiệu quả của nghề nuôi chim cút sinh sản mà gia đình anh đã gắn bó hơn 7 năm nay.

chim-cut
Anh Hoàng Văn Kim luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình đến tìm hiểu mô hình nuôi chim cút -Ảnh: N.T

Ở xã Vĩnh Lâm nói riêng, huyện Vĩnh Linh nói chung, anh Hoàng Văn Kim là 1 trong những hộ đầu tiên nuôi chim cút sinh sản quy mô lớn. Anh Kim chia sẻ: “Trong thời gian làm việc tại thành phố Đà Nẵng, tôi biết đến mô hình nuôi chim cút, trong đó riêng nuôi chim cút chuyên bán trứng mang lại lợi nhuận cao.

Nhận thấy tại địa phương mình, thị trường tiêu thụ trứng cũng như chim cút thương phẩm khá lớn nhưng hiện tại chưa có nguồn cung cấp tại chỗ, chủ yếu phải nhập từ các địa bàn lân cận, tôi quyết định áp dụng mô hình nuôi chim cút tại quê nhà”. Nghĩ là làm, anh Kim nghỉ hẳn việc đang làm, dành thời gian tìm đến các trang trại nuôi chim cút lớn ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế xin học nghề, lấy kinh nghiệm.

Mặt khác, anh lặn lội ra các trung tâm chuyên cung cấp giống ở Hà Nội để tìm hiểu, lựa chọn giống chim cút phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại miền Trung. Sau khi nắm vững kỹ thuật nuôi, trở về quê, với số vốn dành dụm được và vay thêm ngân hàng, năm 2014, anh nhập 1.000 trứng cút giống về tự úm ra chim cút nuôi thử. Kết quả, đàn chim cút phát triển tốt, chỉ sau 45 ngày nuôi, chim mái đã bắt đầu sinh sản.

Đầu ra trứng cút lại rất thuận lợi, các thương lái ở chợ Hồ Xá và chợ Do nhận bao tiêu hết. Từ thành công ban đầu, anh Kim quyết định mở rộng mô hình bằng việc tăng dần vốn đầu tư theo từng năm. Và đến nay anh đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng hoàn thiện chuồng trại khép kín trên diện tích 170 m2 . Nhằm tuân thủ việc phòng bệnh cho vật nuôi, giảm rủi ro và quan trọng đáp ứng tiêu chí môi trường, anh lắp đặt hệ thống lồng nuôi, quạt làm mát, điện sưởi… để đồng bộ hóa các tiêu chuẩn chăn nuôi theo hướng khoa học, hiện đại.

Nhận xét về loài vật nuôi này, anh Kim cho hay nuôi chim cút không khó. Chim cút trọng lượng nhỏ, nuôi trong lồng, không đòi hỏi nhiều về diện tích chăn nuôi nên người nuôi tiện quản lý. Thức ăn cho chim cút là loại cám chuyên dụng, ngày cho ăn 2- 3 lần. Nước uống phải sạch, theo hệ thống tự động. Chim cút ít mắc dịch bệnh, phổ biến nhất bị bệnh đau bụng. Lúc này, quan sát phân, kịp thời phát hiện và cho dùng thuốc hỗ trợ đường ruột vài ngày sẽ khỏi, không đáng ngại. “Chim cút dễ nuôi nhưng không phải nuôi nhàn, để nuôi số lượng lớn, chim cút khỏe mạnh, cho trứng đều phải luôn bám sát chuồng trại, tích cực theo dõi, chăm sóc. Đặc biệt phải chú ý khâu vệ sinh chuồng trại khô ráo, thoáng mát, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng. Nhiệt độ lý tưởng trong chuồng giữ ở mức khoảng 35 độ C”, anh Kim cho biết thêm.

So với các loại gia cầm khác, chim cút phát triển nhanh. Thời gian để một con chim cút mái trưởng thành và bắt đầu đẻ trứng chỉ 6 – 7 tuần tuổi. Theo anh Kim, khả năng sinh sản của chim cút tùy thuộc vào chất lượng đàn, quy trình chăm sóc và mức cho ăn của chủ nuôi. Nếu cả 3 tiêu chí đều bảo đảm, chim cút mẹ đến lứa sẽ cho 1 quả trứng/ngày, liên tục trong khoảng 6- 8 tháng. Sau chu kỳ đẻ trứng trên, tỉ lệ cho trứng dần giảm xuống thì chủ nuôi sẽ thay đàn giống mới để đạt sản lượng trứng cao hơn và đỡ chi phí thức ăn. Lúc đó giá bán đàn chim cút thương phẩm cũng khá cao, từ 13.000- 15.000 đồng/con.

nuoi-chim-cut

Gần 8 năm trong nghề nuôi chim cút theo hướng hàng hóa, đảm bảo các điều kiện về phòng bệnh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang trại chim cút của gia đình anh Hoàng Văn Kim trở thành địa chỉ chăn nuôi chim cút lấy trứng có uy tín. Tổng đàn luôn duy trì từ 6.000 – 8.000 con. “Ngoài tiền bán trứng và chim cút thương phẩm thì phân chim cút cũng được tận dụng bán cho người dân làm phân bón cho cây trồng, thức ăn nuôi cá cũng có thêm nguồn thu”, anh Kim cho biết thêm.

Tháng 10/2020, xã Vĩnh Lâm bị thiệt hại nặng nề về nông nghiệp do các đợt bão lũ. Riêng gia đình anh Kim bị thiệt hại trên 5.800 con chim cút đang vào giai đoạn sinh sản. Không nản chí, sau thiên tai, anh Kim tập trung cải tạo, nâng cấp lại chuồng trại và nhanh chóng đưa vào nuôi mới 4.000 chim cút, đến nay đã chuẩn bị cho thu hoạch. Về kế hoạch lâu dài, anh Kim mong muốn sẽ tiếp tục được các cấp, ngành tạo điều kiện về nguồn vốn, con giống để khôi phục lại sản xuất sau thiên tai, tăng đàn cút nuôi như ban đầu và phấn đấu nuôi kín các chuồng trong trang trại với số lượng đạt 8.000- 10.000 con.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Lương đánh giá: “Mô hình nuôi chim cút có nhiều ưu thế, quỹ đất chăn nuôi vừa phải, vốn đầu tư không quá lớn. Đầu ra ổn định vì sản phẩm gồm cả trứng và chim cút thương phẩm đều giàu chất dinh dưỡng, giá cả phải chăng, ít biến động nên thị trường ngày càng ưa chuộng. Thời gian thu hồi vốn nhanh. Hiệu quả từ mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Kim sẽ mở ra hướng đi triển vọng để các địa phương khuyến khích người chăn nuôi thử nghiệm làm cơ sở nhân rộng. Qua đó đẩy mạnh hơn nữa chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, bền vững bên cạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống nhằm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn”.

Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!