Với bản tính siêng năng, cần cù cùng với sự nhạy bén trong sản xuất, ông Lê Ngọc Út, 60 tuổi ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, lực lượng lao động gia đình để xây dựng, phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
Năm 2010, nhận thấy diện tích đất vườn nhà rộng rãi thuận lợi cho việc chăn nuôi, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Ban đầu, ông chọn mua 20 con heo giống thật tốt về nuôi gầy đàn. Toàn bộ heo con do đàn heo gốc sinh ra, ông đều giữ lại để nuôi tạo đàn. Nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật vào chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh nên đàn heo của gia đình ông phát triển tốt. Tích lũy kinh nghiệm qua từng lứa nuôi, ông từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức khép kín, xây dựng hầm biogas để lấy khí đốt phục vụ nhu cầu gia đình, chăn nuôi. Đến nay, trại heo của gia đình ông có 20 heo nái, hơn 100 con thịt gối đầu nhiều lứa khác nhau. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 300 con heo thịt, lãi hơn 300 triệu đồng.
Không chỉ nuôi heo, ông còn tổ chức nuôi 30 con bò cái sinh sản, bình quân mỗi năm bán khoảng 20 bê con thu thêm khoảng 300 triệu đồng/năm. Đồng thời, ông còn thả nuôi gần 2.000 con gà, theo hình thức kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, mỗi lứa gà (khoảng 3,5 tháng/lứa) ông lãi khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ chăn nuôi của gia đình ông sau khi trừ chi phí là khoảng 700 triệu đồng/năm.
Nhằm tạo ra nguồn phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, ngoài diện tích đất của gia đình, ông còn thuê mướn thêm để sản xuất 1 ha đậu phụng và 0,5 ha lúa. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ các công trình thủy lợi trên địa bàn và khai thác mạch nước ngầm để bơm tưới, cộng với nguồn phân chuồng sẵn có… lúa và đậu phụng của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất khá, không những tạo nguồn thu nhập đáng kể mà còn tạo nguồn phụ phẩm phục vụ đắc lực cho chăn nuôi.
Ông Lê Ngọc Út chia sẻ: “Rút kinh nghiệm qua thực tế sản xuất và học hỏi được, tôi nhận thấy để cho vật nuôi và cây trồng phát triển tốt, ngoài việc chăm sóc thì quan trọng nhất là khâu chọn giống; con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; thứ hai là phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ và thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại”.
Không những làm kinh tế giỏi mà ông Lê Ngọc Út còn rất nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm đối với những người xung quanh. Đã có nhiều người đến trang trại của ông để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, ông còn sống rất chang hòa với bà con lối xóm, được mọi người quý mến.
TRƯỜNG GIANG
Nguồn: Báo Bình Định
Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!