6 cách làm chuồng thỏ tại nhà đơn giản và dễ dàng

698 lượt xem
Video Mẫu chuồng thỏ đẹp
Thỏ cần có chuồng, cho dù bạn nuôi chúng ở trong nhà hay ngoài sân vườn. Có khá nhiều cách làm chuồng thỏ khác nhau. Chó dù bạn làm chuồng nuôi thỏ theo cách nào đi nữa, thì bạn vẫn cần tuân theo một số nguyên tắc về kích thước, vật liệu, độ an toàn và thoải mái.

Như đã đề cập trong hướng dẫn cách nuôi thỏ trước đây, bạn có thể nuôi thỏ trong nhà theo 2 cách; đó là nuôi chúng trong chuồng và thả rông tự do (hay còn gọi là nuôi thỏ không cần chuồng). Tuy nhiên, dù bạn chọn cách nuôi thả rông, thì thỏ của bạn cũng cần phải có một khu vực riêng của chúng. Nó vừa đảm bảo an toàn cho thỏ của bạn, vừa bảo vệ cho ngôi nhà của bạn nữa.

1. Lưu ý khi làm chuồng nuôi thỏ

Trước khi mua hoặc làm chuồng cho thỏ, bạn cần xem xét các yếu tố sau:

Kích thước: Kích thước chuồng nuôi thỏ sẽ được xác định bởi số lượng thỏ và kích thước của chúng. Thông thường thì chuồng càng bự càng tốt. Nếu chú thỏ của bạn dành phần lớn thời gian trong lồng, thì hãy chọn một chiếc lồng lớn nhất phù hợp để nuôi trong nhà. Theo nguyên tắc chung, chuồng nuôi thỏ kiểng phải có kích thước ít nhất gấp bốn lần kích thước của thỏ khi chúng nằm dài ra. Đảm bảo rằng chuồng thỏ cao ít nhất 60 cm.

Thỏ rất thích nhảy, và khi vui chúng sẽ nhảy và xoay tròn trong không khí. Nhiều chiếc chuồng cho thỏ bán trên thị trường chỉ cao khoảng 30 cm, điều này thực sự quá thấp đối với một chú thỏ năng động và khỏe mạnh. Thiết kế chuồng thỏ cũng cần phải đủ rộng để bỏ khay cát vệ sinh, thức ăn và nước uống. Cửa chuồng phải đủ rộng để có thể dễ dàng đưa khay khay vệ sinh vào dễ dàng. Tốt nhất nên dùng cửa hông thay vì cửa mở ở trên.

Ngoài không gian để ở, thỏ cũng cần hêm không gian để tập thể dục. Lý tưởng nhất là bạn nên thiết kế khu vực cho phép thỏ ra vào vào tất cả các không gian cùng một lúc hoặc một cách để di chuyển giữa không gian sống và tập thể dục một cách tự do.

Vị trí: Hãy đặt lồng nuôi thỏ ở nơi phù hợp với diện tích của nó. Chẳng có ích gì khi bạn làm một chiếc lồng hoàn hảo và sau đó không thể tìm thấy vị trí đặt lồng phù hợp.Thỏ thích những nơi thoáng đãng, nơi chúng có thể nhìn ra ngoài, cảm nhận làn gió và hít thở tự do. Nhưng nếu nhà bạn không có không gian như vậy, bạn có thể tận dụng không gian trong nhà, ví dụ như gầm cầu thang, để đặt chuồng thỏ. Lưu ý là khi bạn chọn nơi không có ánh sáng và không khí như vậy, bạn cần phải cho thỏ tập thể dục ngoài trời thường xuyên.

Vật liệu: Tất cả các vật liệu sử dụng để xây chuồng thỏ kiểng cần phải an toàn. Thỏ có thể nhai các vật liệu, đặc biệt nếu bạn không cung cấp đủ đồ chơi nhai cho chúng. Vì vậy bạn không muốn sử dụng gỗ đã qua xử lý hoặc có sơn trên bề mặt mà thỏ có thể gặm. Hoặc thay vì làm chuồng thỏ bằng gỗ, bạn có thể dùng vật liệu bằng nhựa để an toàn hơn.

  • Gỗ: chưa qua xử lý là tốt nhất, ví dụ như gỗ thông. MDF khá độc nếu nuốt và hít phải
  • Nhựa: Các tấm nhựa conrrugated (Correx) có thể là một vật liệu ổn áp khi làm chuồng cho thỏ.
  • Lưới thép

Sàn chuồng: Bạn nên chọn loại sàn cứng và dễ lau chùi có thể giúp công việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bạn có thể dùng ván gỗ, vải sơn lót sàn, gạch lát (tuy nhiên nó dễ khiến thỏ bị trượt). Nếu bạn thấy lựa chọn sàn của mình không đủ độ bám, bạn có thể thêm một tấm thảm, tấm dệt hoặc tấm lót ổn định bằng cao su lên trên.

Hạn chế thiết kế chuồng nuôi thỏ có sàn dây vì nó có thể khiến thỏ không thoải mái khi đi lại và có thể gây lở loét trên chân của chúng. Nếu chuồng nuôi thỏ cảnh của bạn có sàn bằng dây, hãy đặt miếng gỗ hoặc thảm lên trên đó. Bạn cũng có thể để rơm và cỏ khô lên trên đó. Vì bạn có thể huấn luyện thỏ đi vệ sinh vào thau cát, nên việc làm chuồng cho thỏ có sàn dây để phân lọt xuống dưới khay (giúp việc dọn dẹp dễ hơn) là không quá cần thiết.

Không nên chọn chuồng có đáy bằng dây vì dễ ảnh hưởng tới chân thỏ

Đảm bảo rằng không có bất kỳ lỗ hở nào trong chuồng đủ lớn để thỏ thoát ra ngoài hoặc bị mắc kẹt. Nắp và cửa phải chắc chắn và không được có bất kỳ vít, đinh, đoạn dây điện hoặc đồ vật sắc nhọn nào có thể đâm vào thỏ của bạn.

Vấn đề dọn dẹp: Điều thực sự quan trọng là phải nghĩ về vấn để dọn dẹp của bạn khi thiết kế chuồng cho thỏ. Đảm bảo rằng các cửa chuồng đủ rộng để dễ dàng tháo khay vệ sinh và các đường dốc. Làm cho một đoạn đường nối có thể tháo rời có thể giúp việc quét xung quanh nó dễ dàng hơn rất nhiều.

Hãy nghĩ về độ sâu của lồng và chiều dài cánh tay của bạn, chẳng hạn nếu lồng của bạn sâu 10cm nhưng chỉ cao 5cm, bạn sẽ phải nằm sấp để làm sạch phần thân chuồng! Tương tự như vậy, bạn có thể khó lau các kệ cao nếu lồng quá cao.

2. Cách làm chuồng thỏ

Bạn có thể chọn một trong những hướng dẫn làm chuồng nuôi thỏ sau đây:

a. Cách làm chuồng thỏ bằng ống nhựa

Với cách làm chuồng thỏ như vậy, bạn sẽ xây chuồng thỏ từ ống PVC và các tấm lưới thép. Bạn có thể dễ dàng làm nó ngay cả khi không có bất kỳ kinh nghiệm nào. Lồng thỏ này chỉ được thiết kế để sử dụng trong nhà.

Tự làm chuồng thỏ từ ống nhựa sẽ rẻ hơn so với việc mua một cái lồng. Bạn có thể đến các tiệm điện nước để mua vật liệu. Nếu bạn làm theo hướng dẫn cách làm chuồng thỏ dưới đây, bạn sẽ có một cái lồng với kích thước 180cm x 60cm. Nhưng bạn có thể dễ dàng điều chỉnh kích thước và hình dạng của nó theo nhu cầu và sở thích. Bạn thậm chí còn có thể làm một cái chuồng thỏ 2 tầng.

Vật liệu cần thiết

  • Khung chính của lồng sẽ được làm từ đường ống PVC, ống có đường kính là lý tưởng là 25mm nhưng bạn có thể sử dụng kích thước khác. Chỉ cần đảm bảo ống và các khớp nối có cùng kích thước để chúng vừa khít với nhau. Bạn sẽ cần 12 ống nước có chiều dài 90cm và 15 ống có chiều dài 60cm.
  • Mối nối ống: Bạn sẽ cần các co ống nước sau: 2 co chữ T, 8 co chữ L, 8 co góc ba hướng và 2 co góc bốn hướng.
  • Lưới thép: Bạn có thể sử dụng các tấm lưới thép cứng hoặc lưới cuộn để cố định lồng. Một tấm lưới sẽ giúp lồng cứng hơn và nếu bạn chọn một tấm lưới sơn tĩnh điện, nó sẽ giúp lồng thỏ đẹp hơn nhưng chúng sẽ đắt hơn. Đảm bảo mắt lưới đủ nhỏ để ngăn thỏ thoát ra ngoài. Đối với chiếc lồng này, bạn sẽ cần 8 tấm lưới có kích thước 90x60cm.
  • Dây rút: được sử dụng để gắn lưới vào khung lồng. Đảm bảo rằng bạn chọn dây buộc rút đủ dài để đi xung quanh đường ống. Bạn có thể cắt bớt phần thừa sau khi xây xong lồng.

Cách làm chuồng nuôi thỏ

  1. Bước đầu tiên là cắt ống nhựa pvc thành các chiều dài chính xác bằng cưa hack. Đừng lo lắng nếu vết cắt không hoàn hảo vì nó sẽ bị che khuất bởi các khớp nối. Bạn có thể sử dụng giấy nhám để làm mềm các đầu cắt,để dễ dàng lắp chúng vào mối nối hơn. Nếu ống nước bạn mạng về đã có sẵn kích thước thì bạn có thể bỏ qua bước này.
  2. Sử dụng sơ đồ hướng dẫn làm chuồng thỏ dưới đây để lắp các đường ống lại với nhau để tạo thành cấu trúc của lồng.
  3. Tiếp theo, gắn những tấm lưới thép vào khung lồng bằng dây rút (không bao gồm mặt trước ở cửa ra vào). Nếu có thể, hãy lắp lưới vào bên trong khung, điều này sẽ bảo vệ đường ống PVC và làm cho chuồng đẹp hơn. Nếu bạn đang sử dụng tấm lưới 60x90cm theo đúng thiết kế, bạn sẽ cần cắt ngắn tấm lưới cho hai đầu. Sau khi lưới được gắn vào, bạn có thể cắt ngắn dây rút lại.
  4. Công đoạn cuối cùng là lắp 2 cái cửa. Tạo 2 cái khung cửa bằng ống nước với kích cỡ 60x90cm, và sau đó gắn tấm lưới thép vào bằng dây rút (tương tự như cách bạn làm khung lồng cho thỏ). Để gắn các cánh cửa, hãy sử dụng dây rút, buộc dây đủ lỏng để cho cánh cửa có thể xoay được, giống như là bản lề vậy. Hoặc bạn có thể mua 1 cái bản lề và và nắm cửa để tiện lợi hơn.

Cách làm lồng cho thỏ này không có sàn. Bạn có thể thêm miếng ván gỗ, nhựa PP corrugated hoặc thảm hay vải lót vào để làm sàn cho chuồng. Nếu bạn dùng thảm hay vải lót, hãy cắt nó lớn hơn phần đáy lồng để nhô ra ngoài lồng vài cm, điều này ngăn thỏ nhai vải. Bạn cũng có thể đóng một khay gỗ và lót vải sơn lót sàn hoặc gạch để dễ lau chùi.

b. Cách làm chuồng thỏ đơn giản tại nhà

Vật liệu

Bạn sẽ cần:

  • 30 tấm lưới làm chuồng thỏ 35 x 35 cm. Bạn có thể mua lưới làm chuồng thỏ như sau.
  • 100 dây rút
  • Ván gỗ Plywood, chiều dài 71cm và rộng 50 – 60 cm
  • 4 thanh gỗ có đường kính 30 – 31 cm: 2 cây dài 80 cm và 2 cây còn lại dài 116 cm
  • 3 kẹp lò xo nhỏ

Cách làm chuồng thỏ 2 tầng

  • Làm 2 bên mặt chuồng bằng 18 tấm lưới thép, mỗi bên sẽ nối 9 tấm lưới lại với nhau bằng dây rút. Bạn đừng nên thắt quá chặt dây rút, hãy làm điều này ở bước sau.
  • Tạo 2 bên mặt còn lại của chuồng bằng 12 tấm lưới, mỗi bên được nối lại với nhau bằng 6 tấm, tương tự như ở bước trên.
  • Nối 4 mặt chuồng bằng dây rút, bạn có thể chọn hình dáng của chuồng thỏ mà bạn thích (tam giác, ngũ giác, chữ nhật).
  • Đút 2 thanh gỗ xuyên qua tấm lưới, dọc theo chiều dài của lồng thỏ. Hai thanh gỗ ngắn còn lại sẽ xuyên dọc theo chiều rộng. Thanh gỗ sẽ giữ cố định kệ gỗ để chúng không rơi xuống. Vị trí của thanh gỗ sẽ phụ thuộc vào việc bạn muốn kệ cho thỏ ở chỗ nào.
  • Đặt tấm gỗ plywood lên 2 thanh gỗ để làm kệ, bạn có thể phủ một lớp vải sơn lót sàn hoặc thảm lên trên. Thông thường, thỏ thích nhảy qua nhảy lại giữa các kệ, sau đó nhảy xuống mà không không quan tâm đến việc đi lên trên, nên bạn không cần làm mái cho chuồng thỏ. Nếu muốn, bạn có thể lắp thêm mái ở trên cho chúng.
  • Siết chặt các sợi dây rút và cắt ngắn. Cố định các thanh gỗ vào chuồng bằng dây rút.
  • Chọn mặt trước làm cửa, cắt phần dây rút ở chỗ đó đi. Sau đó, bạn dùng kẹp lò xo để giữ chặt cửa lại.
  • Cách làm chuồng cho thỏ này không có lót sàn dưới cùng. Nếu muốn, bạn có thể lót thêm một lớp dưới sàn cho chúng giống như cách ở mục a.

Đây là cách làm chuồng thỏ đơn giản nhất. Bạn có thể áp dụng kỹ thuật làm chuồng thỏ này để sáng tạo thêm các kiểu chuồng khác như nâng đáy chuồng cao hơn hoặc làm nhiều tầng theo dạng khối. Tầng thứ hai (hoặc thứ ba) là một cách tuyệt vời để tạo thêm không gian cho thỏ của bạn mà không cần chiếm diện tích nhà. Các tầng nhỏ có thể được làm bằng cách gắn các tấm lưới theo chiều ngang với dây buộc.

Các tầng cho thỏ phải chắc chắn vì vậy nếu bạn sử dụng lưới, hãy lót chúng bằng gỗ. Một lựa chọn tốt là ván cứng phủ vải sơn lót sàn / gạch để tạo bề mặt dễ lau chùi. Bạn có thể thêm thảm cao su hoặc thảm rơm để có thêm độ bám.

Những chú thỏ mảnh mai sẽ có thể nhảy lên / xuống khỏi kệ thấp (dưới 30cm), nhưng nếu bạn có tầng cao hoặc thỏ của bạn kém nhanh nhẹn thì bạn nên lắp một cái thang. Cái thang này có thể được làm từ một tấm gỗ. Khoan hoặc đục một lỗ để luồn dây rút vào để cố định thang nối ở trên cùng. Bạn có thể làm các bậc thang bằng một miếng gỗ nhỏ hoặc, nếu thỏ không nhai, bạn có thể để một miếng thảm trên đó.

c. Cách làm chuồng thỏ bằng gỗ

Nguyên vật liệu

Bạn sẽ cần:

  • 1 miếng ván ép plywood độ dày 1,27 cm, kích thước 60 x 91 cm
  • 12 thanh gỗ lumber: 4 thanh có chiều dài 91 cm, 4 thanh có chiều dài 61 cm và 4 thanh dài 1,8 m
  • Khoảng 8 m lưới thép
  • Khoan hoặc tua-vít
  • Ốc vít dài ít nhất 7,6 cm

Cách làm chuồng nuôi thỏ bằng gỗ

– Dùng khoan hoặc tua-vít để nối 2 thanh gỗ 91 cm và 2 thanh 1,8 m lại với nhau, để tạo ra khung chuồng thỏ như dưới đây.

  • Bạn nên dùng ốc vít dài ít nhất 7,6 cm để đảm bảo chúng xuyên qua cả hai miếng gỗ.
  • Đảm bảo các miếng gỗ khít với nhau.
  • Chèn hai vít vào mỗi góc để đảm bảo khung chắc chắn và ổn định.

– Tạo thêm một khung chữ nhật khác giống với khung ở trên với 4 thanh gỗ còn lại. Hai khung này sẽ đóng vai trò là phần trên và phần dưới của lồng thỏ.

– Đặt một khung chữ nhật xuống mặt sàn, dùng khoan hoặc vít để vặn 4 thanh gỗ 61 cm vào vào tất cả bốn góc của khung. Các miếng gỗ 61 cm này là các trụ sẽ giữ khung thứ hai làm phần trên của lồng.

– Lấy khung chữ nhật thứ 2 đặt xuống các thanh gỗ dựng đứng này, sao cho các cột ở bên trong cả 4 góc và hạ thấp khung cho đến khi các cột và đỉnh của khung bằng nhau. Dùng ốc vít để cố định khung với các cột thẳng đứng này. Bạn có thể nhờ một người bạn giữ cố định khung để bạn có thể gắn vít vào.

– Đặt miếng ván ép vào khung dưới ở một bên và cố định bằng vít. Chuồng thỏ nên bao gồm một khu vực được nâng cao so với mặt đất và cung cấp nơi trú ẩn cho chúng. Phần còn lại của khung dưới sẽ hạ thẳng xuống mặt đất, hoặc bạn có thể lót thảm hay vải sơn lót sàn.

– Đặt chỗ trú ẩn cho thỏ trên ván ép. Bạn có thể tự làm chỗ trú ẩn cho thỏ bằng thùng carton bằng hộp nhựa. Việc đặt chỗ trú ẩn vào vị trí trước khi hoàn thành chuồng cho thỏ sẽ dễ dàng hơn.

– Phủ lớp lưới thép lên trên nóc chuồng, dùng súng bắn ghim để cố định tấm lưới vào khung chuồng, cứ mỗi 10 cm là một chiếc ghim. Đảm bảo giữ cho tấm lưới được kéo chặt qua khung khi bạn cố định nó vào đúng vị trí, tránh tạo ra bất kỳ phần lỏng lẻo nào mà thỏ có thể thoát ra ngoài. Cắt bỏ các phần lưới còn thừa.

– Quấn tấm lưới xung quanh các cạnh của chuồng thỏ và cố định nó bằng ghim, và làm tương tự như trên. Phần đáy chuồng sẽ được để trống để bạn có thể nâng lên để cho thỏ vào trong, thay vì phải làm cửa.

d. Cách làm chuồng thỏ từ chuồng chó

Bạn có thể cải tạo lại các chuồng cho chó thành chuồng cho thỏ. Chuồng chó có nhiều loại kích cỡ và thường rộng hơn và cao hơn so với lồng dành cho thỏ. Chúng cũng có thể gấp gọn lại được và mang đi dễ dàng, một tính năng hữu ích khác mà hầu hết các lồng thỏ không có.

Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi chọn cũi cho chó

Kích thước: Chuồng chó có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng tốt nhất nên chọn loại lớn nhất hiện có để cho thỏ của bạn nhiều chỗ nhất có thể, chúng thường có kích thước khoảng 120cm x 76cm x 90cm.

Khoảng cách giữa các thanh sẽ khác nhau phụ thuộc vào các chuồng chó. Nếu khoảng cách giữa các thanh quá rộng so với thỏ của bạn, bạn có thể phải che bằng lưới để ngăn thỏ chui đầu qua song sắt.

Cửa ra vào: Tùy thuộc vào kiểu dáng, chuồng chó thường sẽ có một cửa ở mặt bên, hoặc mặt trước hay một cửa trên mỗi bên. Bạn sẽ cần phải quyết định cái bạn cần tùy thuộc vào vị trí bạn định đặt chuồng thỏ. Cửa ở mặt trước thường cung cấp lối vào tốt nhất để tiếp cận chú thỏ của bạn và làm sạch mặt sau của lồng. Bạn có thể chọn loại chuồng chó có 2 cửa như hình dưới đây.

Khay / Sàn

Hầu hết các cũi chó được bán với khay kim loại hoặc khay nhựa. Đối với thỏ cũng tốt mặc dù nhựa sẽ ít gây tiếng ồn hơn nếu thỏ ném đồ đạc xung quanh và ít trơn trượt hơn. Tuy nhiên, bạn có thể lót thảm hoặc vải sơn xuống dưới, vì vậy đây không phải là một mối lo ngại lớn. Một số cũi chó có ‘sàn’ bằng dây cần được tháo ra hoặc che lại để không làm loét chân của thỏ.

Điểm khác biệt chính của lồng chó so với lồng thỏ là độ sâu của khay. Khay của chuồng cho chó sâu khoảng 2,5cm; không thích hợp để chứa thau cát hoặc cỏ khô và có thể khá lộn xộn nếu để thỏ xài. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể tạo khung xung quanh đế thùng bằng cách sử dụng len chân tường bằng gỗ hoặc nhựa. Hoặc bạn có thể dùng một cái khay sâu hơn để chứa vừa đủ thau cát và cỏ.

Tầng/kệ: Chiều cao của chuồng chó khiến chúng trở nên lý tưởng để kê thêm kệ để tạo thêm không gian cho thỏ. Bạn có thể tạo kệ cho thỏ giống như các làm ở mục b.

e. Cách làm chuồng cho thỏ từ chiếc tủ

Bạn hoàn toàn có thể làm chuồng cho thỏ kiểng từ một cái kệ chén bát có sẵn. Dưới đây là cách làm lồng nuôi thỏ từ tủ:

  • Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm một cái tủ phù hợp.
  • Nếu tủ của bạn được chia thành nhiều ngăn, hãy khoét một cái lỗ giữa chúng để thỏ có thể qua lại. Những cạnh ráp khi bạn cắt khoét có thể được phủ bằng phào chỉ gỗ hoặc nhựa.
  • Lót đáy: đáy tủ sẽ cần có lớp lót để cho thỏ khỏi bị trượt hoặc chống thấm. Bạn có thể sử dụng gạch mosaic nhỏ hoặc dùng vải sơn lót sàn. Cắt lớp vải theo kích thước và dùng hồ dán hoặc băng keo hai mặt để giữ cố định nó. Sau đó dùng phào chỉ ốp xung quanh mép tủ để thỏ không nhai hoặc đào mép tủ lên.
  • Lắp kệ: Nếu chiếc tủ bạn chọn không có kệ, bạn có thể lắp thêm kệ vào để tạo thêm không gian cho thỏ. Với kích cỡ của lồng thỏ này, hầu hết thỏ có thể dễ dàng nhảy xuống giá thấp mà không cần đường dốc.
  • Lắp cửa với khung cửa bằng gỗ có rãnh, điều này giúp lắp tấm lưới vào dễ dàng hơn. Bạn có thể dùng keo và kẹp để giữ cố định hoặc dùng dây rút. Bạn sẽ cần bản lề, nắm cửa….Lưu ý rằng khi bạn đóng cửa, chuồng cho thỏ sẽ là một không gian kín hoàn toàn để chúng ẩn náu / lui tới.
Cách ráp chuồng thỏ từ tủ bát

f. Cách làm chuồng nuôi thỏ bằng tre

Thay vì làm bằng gỗ, bạn có thể làm chuồng thỏ bằng vật liệu nhẹ hơn như là tre chẳng hạn. Bạn có thể tham khảo cách làm chuồng thỏ bằng tre sau đây:

Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích bạn không nên đóng chuồng thỏ bằng tre. Vì sao không nên làm chuồng thỏ bằng tre nứa?

  • Thứ nhất, các bạn đã biết là thỏ rất thích nhai và gặm, tre nứa lại không cứng cáp như gỗ, vì vậy chúng có thể nhai và gặm nát chuồng, và chui ra ngoài đi lung tung.
  • Thứ hai, bản thân tre không độc đối với thỏ nhưng nếu ăn nhiều có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa vì chúng chứa nhiều đường và tinh bột.
  • Thứ ba, một số loại cây trông rất giống tre nhưng rất độc hại cho thỏ của bạn, ví dụ như cây phát lộc.

3. Mua chuồng nuôi thỏ cảnh

Nếu việc tìm cách cách đóng chuồng thỏ quá cầu kỳ, bạn có thể mua lồng nuôi thỏ để tiết kiệm thời gian. Về cơ bản, các kiểu chuồng nuôi thỏ cần phải có khay nhựa ở phía dưới và khung dây ở phía trên. Chỉ những chiếc lồng siêu to khổng lồ thích hợp với những con thỏ phải dành nhiều thời gian ở trong đó. Các điểm quan trọng khác cần xem xét là kích thước cửa lồng, độ sâu của khay và cách dễ dàng tháo rời để vệ sinh.

Kích thước chuồng thỏ:

Hầu hết các nhà sản xuất đều làm lồng kiểu giống nhau với nhiều kích cỡ khác nhau nhằm vào các vật nuôi khác nhau (ví dụ như chuột đồng, chuột lang và thỏ). Hãy xem số đo của chuồng, đừng dựa vào mô tả hoặc ảnh của cửa hàng (thường có hình ảnh thỏ con để làm cho lồng trông lớn hơn). Hãy nhớ rằng thỏ cần lồng dài gấp 4 lần chiều dài của chúng khi nằm ra.

Chuồng thỏ kiểng giá rẻ nhưng lại quá nhỏ

Hầu hết các lồng đều có chiều dài tiêu chuẩn, 100cm hoặc 120cm. Có một vài lồng 150cm nhưng khó tìm hơn. Bạn nên mua một cái chuồng thỏ lớn nhất có thể. Mua một chiếc lồng phù hợp với thỏ của bạn khi trưởng thành, chúng lớn nhanh nên một chiếc lồng nhỏ sẽ cần thay thế trong vòng 6-8 tuần.

Dù chuồng thỏ có lớn hay không, thì thỏ của bạn vẫn cần tập thể dục hàng ngày trong một khu vực rộng lớn hơn nhiều. Nên bạn hãy thêm chuồng quây xung quanh lồng là một cách tốt để cung cấp thêm không gian cho thỏ. Chiều cao của chuồng nên cao tối thiểu 60 cm.

Chiều sâu khay: khay càng sâu càng tốt vì nó chứa những thứ như cỏ khô, thau cát vệ sinh và các carton vụn (thỏ thích nhai hộp carton).

Cửa lồng: Một số chuồng cho thỏ có kích thước bằng với kích thước của cửa ra vào. Để nhấc thỏ ra ngoài, bạn cần có một cánh cửa đủ rộng để vừa với cánh tay của bạn và thỏ đi qua. Cửa lồng lớn cũng giúp bạn dễ dàng thực hiện các công việc như thay khay vệ sinh mà không cần tháo nóc lồng.

Vì vậy, chuồng thỏ cần ít nhất là một cánh cửa mở sang bên là điều cần thiết, vì chúng cho phép thỏ ra vào khi cần và việc nhấc thỏ từ bên này lên sẽ ít đe dọa hơn so với ở cửa ở phía trên. Bạn nên cân nhắc vị trí đặt lồng trong phòng vì điều này có thể ảnh hưởng đến vị trí cửa chuồng.

Thanh lồng:

Hầu hết các thanh lồng đều được mạ kẽm, sơn tĩnh điện hoặc tráng nhựa, giúp dây không bị han gỉ. Điều tốt nhất là thực sự tùy thuộc vào sở thích của bạn, một số người thích giao diện của các thanh lồng màu trắng hơn màu kim loại tự nhiên. Hãy lưu ý rằng thỏ rất thích nhai, vì vậy lớp phủ nhựa sẽ bị mòn; mặc dù nó không gây hại gì nhưng trông nó sẽ khá là nham nhở.

4. Cách nuôi thỏ không cần chuồng

Chúng tôi tả pí lù luôn khuyến khích các bạn nuôi thỏ thả rông trong một khu vực rộng rãi. Nếu nhà bạn có không gian, bạn có thể thiết lập khu vực nuôi thỏ. Đó có thể là trong một căn phòng riêng biệt hoặc là một khu vực đã được quây lại. Tuy nhiên, điều này sẽ còn phụ thuộc vào từng con thỏ, liệu chúng có biết cách đi vệ sinh vào khay hay chưa. Bạn có thể tham khảo cách hướng dẫn thỏ đi vệ sinh tại đây.

Việc đầu tiên bạn cần làm là giới hạn không gian của thỏ lại. Việc hạn chế không gian cho thỏ ngay từ đầu sẽ cho phép chúng quen với vị trí của hộp đựng thức ăn và khay cát vệ sinh. Bằng cách tăng dần không gian, thỏ của bạn sẽ không cảm thấy bị choáng ngợp bởi một diện tích lớn. Điều này giúp ngăn ngừa tai nạn và giảm căng thẳng. Hãy làm mọi thứ một cách từ từ và kiên nhẫn.

Nếu bạn nuôi thỏ thả rông trong nhà bằng cách quây một khu vực lại, hãy đảm bảo bạn mua một cái đủ cao để con thỏ của bạn không thể nhảy qua (91 cm hoặc cao hơn). Khu vực mà bạn nuôi thỏ sẽ cần:

  • Lót thảm hoặc vải sơn lót sàn để ngăn chúng bị trượt. Hãy đảm bảo rằng thỏ của bạn không ăn những vật liệu này, vì điều này có thể gây tắc nghẽn. Để các cạnh của thảm/vài ngoài tầm với sẽ giúp hạn chế hành vi này.
  • Tường sơn bằng sơn không độc hại
  • Đồ chơi nhai để ngăn việc thỏ nhai đồ đạc.
  • Một nơi trú ẩn: hộp carton hoặc hộp nhựa
  • Khay vệ sinh
  • Bát nước và thức ăn

Tổng kết

Trong số tất cả các lựa chọn, chuồng cho thỏ cung cấp ít không gian nhất cho chú thỏ của bạn. Nhưng nó lại phù hợp cho những người không có không gian trong nhà để nuôi thỏ thả rông. Vì vậy, nếu chọn nuôi thỏ trong chuồng, bạn nên cho chúng một cái chuồng rộng nhất có thể, và đảm bảo thỏ có nhiều thời gian ở ngoài lồng – ít nhất là vài giờ mỗi ngày.

Bạn có thể mua chuồng cho thỏ, hoặc tự làm chuồng cho chúng. Chi phí làm chuồng nuôi thỏ sẽ rẻ hơn so với việc bạn mua một cái chuồng thỏ đẹp và phù hợp. Có khá nhiều cách làm lồng cho thỏ; bạn có thể làm đơn giản từ ống nước và tấm lưới, cải tạo từ một kệ bát chén, cách làm chuồng thỏ bằng gỗ hoặc tre.

Có nhiều sự lựa chọn nhưng bạn cần tuân thủ một số quy cách chuồng nuôi thỏ cơ bản để đảm bảo sức khỏe cho thỏ của bạn. Và hãy nhớ là trong lồng thỏ luôn có đầy đủ đồ dùng cho thỏ và nhiều loại đồ chơi để chúng tương tác.

Source: https://tapilu.org/cach-lam-chuong-tho/#rtoc-3

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!