Các bệnh truyền nhiễm thường gặp trên chó mèo

2163 lượt xem

Ở Việt Nam, nếu bạn có ý định nuôi thú cưng thì việc đầu tiên nên nghĩ đến là cách phòng các bệnh chó mèo truyền nhiễm cho chúng vì có thể bạn đã biết “Việt Nam là thiên đường của các loại bệnh” mà đặc biệt là bệnh truyền nhiễm.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình khi nuôi chó cứ đến đúng lứa tuổi đó là mắc bệnh với cùng 1 dạng các triệu chứng giống nhau từ năm này sang năm khác, từ lứa chó này sang lứa chó khác. Trong số những con mắc bệnh, đa phần là không cứu chữa được và chết nhưng cũng có 1 vài con vượt qua được và sống sót. Lý do chính là mầm bệnh thì luôn lưu cữu trong môi trường còn những vật nuôi của chúng ta thì lại ít khi được phòng bệnh đầy đủ.

Từ thực tế đó, chúng tôi hy vọng bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những góc nhìn tổng quát, sát thực nhất về các bệnh truyền nhiễm thường gặp, để từ đó chủ động hơn trong việc phát hiện, xử lý cũng như phòng bệnh cho vật nuôi. Hạn chế những thiệt hại không đáng có.

benh-cho-meo

Bệnh truyền nhiễm là gì? mức độ nguy hiểm như thế nào?

Bệnh truyền nhiễm còn gọi là bệnh lây – Là bệnh thường gặp ở tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở các nước có khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới). Căn nguyên bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra gọi là mầm bệnh, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và nhiều khi trở thành các vụ dịch với số lượng người, vật mắc rất lớn. Bệnh thường diễn biến theo các giai đoạn.

Đa phần các bệnh truyền nhiễm không có thuốc đặc trị mà chỉ có vaccine phòng bệnh nên nếu vật đã mắc bệnh thì nguy cơ tử vong là rất cao. Cộng với việc rất khó để kiểm soát mầm bệnh nên mức độ nguy hiểm của loại bệnh này lại càng tăng thêm 1 bậc.

Chó mèo ở Việt Nam thường mắc những bệnh truyền nhiễm nào?

Ở Việt Nam, đa phần chó mèo thường mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh Carre, bệnh do Parvovisus, viêm gan truyền nhiễm, bệnh ho cũi chó, bệnh phó cúm, bệnh do Leptospira, bệnh do Coronavirus.

benh-cho-meo

Làm sao biết vật nuôi nhà bạn có mắc bệnh hay không?

Khi thấy vật nuôi chớm bỏ ăn hay có dấu hiệu nghi ngờ ốm, hãy quan sát xem chúng có các biểu hiện triệu chứng sau hay không:

– Sốt cao từ 39-42oC.

– Viêm niêm mạc, mắt sưng húp,chảy nước mắt và có ghèn liên tục.

– Hô hấp: thở khó khăn, khò khè và rên rỉ do viêm phổi cấp có mủ.

– Tiêu hóa: viêm niêm mạc đường tiên hóa nên nôn liên tục, tiêu chảy phân có máu và và niêm mạc ruột bong tróc ra -> mất nước, mất máu và điện giải nên làm vật chết nhanh hơn.

– Thần kinh: Run rẩy, lên cơn co giật, đi lại xiêu vẹo, mắt trợn ngược, chảy nước dãi.

– Khác: viêm da; trên mặt, da bụng, bẹn, nách thường có những nốt mụn mủ như hạt đậu vỡ ra và khô đóng vẩy

Xử lý như thế nào khi đã bị rồi?

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu nên tốt nhất là phòng bệnh cẩn thận. Khi vật đã nhiễm bệnh, việc đầu tiên là hãy cách ly nó với những vật nuôi khỏe mạnh còn lại.

Nếu vật đã có biểu hiện nôn mửa, không cho vật ăn thêm vì sẽ làm cho hệ tiêu hóa nhiễm trùng và chết nhanh hơn.
Sau đó truyền nước muối sinh lý 0,9% và dung dịch glucose 5% bù nước, đường, điện giải cho vật. Đây là bước rất quan trọng khi đã xác định vật mắc bệnh truyền nhiễm vì sau 1 quá trình phát bệnh, vật nôn và tiêu chảy rất nhiều, nếu không bổ sung nước, điện giải kịp thời thì xác suất tử vong là rất cao.

Khi cảm thấy sức khỏe của vật đã khá hơn, các bạn có thể tiêm cho cún 1 mũi kháng sinh tổng hợp phòng các bệnh kế phát.

Tuy vậy, đối với những ca này, tốt nhất các bạn nên đưa vật đến phòng khám thú y để tiếp nhận điều trị từ các bác sỹ thú y vì nhiều trường hợp điều trị không tốt sẽ làm vật không những không khỏi mà còn chết nhanh hơn. Khả năng khỏi bệnh phụ thuộc rất lớn vào cơ địa của mỗi con vật và trình độ tay nghề của bác sỹ.

benh-cho-meo

Phòng bệnh?

Như ban đầu chúng tôi đã nói, đối với bệnh truyền nhiễm thì tốt nhất chúng ta nên phòng bệnh ngay từ đầu. Đừng để bệnh xảy ra mới điều trị, xác suất sống sót là không cao. Muốn phòng bệnh hiệu quả, chúng ta cần làm tốt, đồng bộ 1 lúc 2 việc như sau:

1. Tiêm phòng vaccine cho vật nuôi từ nhỏ (các bạn có thể tham khảo lịch tiêm vaccine đầy đủ và các lưu ý khi tiêm trong 1 bài viết khác của Vietdvm tại đây

2. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: chăm sóc ăn uống tốt, vệ sinh sạch sẽ, cho vật vận động, thể dục thường xuyên…Tốt hơn nữa, hãy yêu thương và dành tình cảm cho nó thật sự – việc đó giúp nó sống hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.

Với 1 đất nước có quá nhiều mầm bệnh như Việt Nam thì việc bảo đảm cho vật nuôi của mình luôn khỏe mạnh là 1 thách thức không hề nhỏ. Tuy vậy, chúng tôi hy vọng những chia sẻ cơ bản trên đây sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc phòng cũng như xử lý khi trường hợp xấu nhất xảy ra.

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!