Tổng hợp từ kiến thức nông nghiệp, bệnh đậu ở lợn là một căn bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan nhanh. Ở các nước có nền chăn nuôi lợn theo hướng tập trung công nghiệp, bệnh đậu được liệt vào danh sách các bệnh nguy hiểm. Bệnh xuất hiện với các mụn đậu trên da và hiện chưa có thuốc đặc trị.
1. Nguyên nhân gây bệnh đậu ở lợn
Tác nhân gây bệnh đậu ở lợn là một loại virus chứa AND cùng nhóm với loại virus gây bệnh đậu ở gia cầm, trâu, bò, dê và cả người. Tuy nhiên, virus gây bệnh đậu ở lợn có cấu trúc kháng nguyên khác hoàn toàn với virus gây bệnh đậu ở các loài gia súc, gia cầm khác.
Virus gây bệnh đậu ở lợn phát triển và tạo nên bệnh tích tế bào (CPE) trong môi trường nuôi cấy tế bào não, tế bào thận và phôi thai của lợn. Chúng không phát triển được trong các môi trường nuôi cấy lấy từ phổi, thận, não của các loài động vật khác. Đây là đặc điểm sinh học nổi bật để phân loại, xác định virus gây bệnh đậu ở lợn.
Virus gây bệnh đậu ở lợn giữ nguyên đặc tính gây bệnh trong thời gian dài ở môi trường có nhiệt độ thấp, chất lỏng hữu cơ. Dưới 10 độ C, loại virus này có thể sống hàng năm. Nếu được đông khô, virus có thể tồn tại trên 3 năm. Virus gây bệnh đậu ở lợn có sức sống kém trong môi trường có nhiệt độ cao và trong các tổ chức hữu cơ thối rữa. Chúng sẽ chết khi đun sôi 2 – 3 phút và dễ bị tiêu diệt bởi dung dịch có 10% nước vôi, 5% H2CO3, 1‰ KMnO4.
Bệnh đậu xuất hiện ở lợn thường xuất hiện vào mùa thu và mùa đông. Nguyên nhân chủ yếu khiến virus tấn công lợn là do cơ thể chúng thiếu hụt vitamin, chế độ ăn uống không lành mạnh, môi trường sống bẩn khiến hệ thống miễn dịch suy yếu. Một số nguyên nhân khác khiến lợn mắc bệnh đậu bao gồm:
- Lợn được nuôi trong điều kiện môi trường, chuồng trại không phù hợp.
- Người nuôi không tuân thủ các yêu cầu về quy trình kiểm dịch.
- Không tiến hành khử trùng chuồng trại, khử trùng không đúng cách đối với chuồng trại nuôi lợn đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút bệnh đậu ở lợn trước đó.
- Các thiết bị chăn nuôi có chứa mầm bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết lợn mắc bệnh đậu
Bệnh đậu ở lợn có thời kỳ ủ bệnh kéo dài 4 – 7 ngày. Bệnh thường có các triệu chứng thông thường như:
- Lợn bị bệnh đậu sẽ có biểu hiện sốt xuất hiện đầu tiên.
- Lợn mệt mỏi, chán ăn, dần dần sẽ bỏ ăn hoàn toàn.
- Mí mắt bị viêm, mắt có dử nâu.
- Lợn bị chảy nước mũi.
- Dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh đậu ở lợn là tại các chỗ da ít lông xuất hiện các nốt đậu.
- Trên mặt da, ở tai, bụng và phía trong chân xuất hiện các nốt mụn đỏ có kích thước khoảng 1 cm. Sau đó, phát triển to dần và hình thành như lúm đồng tiền ở giữa. Mụn phát triển đến một kích thước nhất định sẽ bị vỡ ra, rỉ nước và nhanh đóng vảy nâu hoặc đen, kết hợp với viêm giác mạc.
Tỷ lệ ốm, tỷ lệ chết của lợn bị bệnh đậu rất khác nhau ở các trại lợn khác nhau. Rất ít trường hợp lợn chết do đậu đơn thuần mà chủ yếu chết do bị nhiễm khuẩn thứ cấp. Bệnh đậu ở lợn thứ phát khi nhiễm cùng Streptococci, Staphylococci,… dẫn đến ỉa chảy, viêm phổi, viêm da. Bệnh lây lan nhanh, vì vậy, bà con cần có biện pháp tăng cường sức khỏe cho lợn, điều trị, khoanh vùng, dập dịch.
3. Biện pháp điều trị bệnh đậu ở lợn
Hiện tại, trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh đậu ở lợn. Để hạn chế bệnh lây lan, khắc phục bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại khi lợn mắc bệnh đâu, bà con thực hiện các bước sau:
Vệ sinh, sát trùng chuồng trại
Khi phát hiện có lợn mắc bệnh đậu, bà con phải thực hiện ngay các biện pháp khử trùng, cách ly nhằm hạn chế bệnh lây lan. Bà con tạo hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi với bên ngoài, ngăn chặn người lạ cũng và các loài động vật khác như gà, vịt, chó, mèo, chuột,… vào khu vực chăn nuôi.
Bên ngoài chuồng nuôi có lợn mắc bệnh, bà con rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi với một lớp dày 1 – 2cm, rộng 1,5cm. Đồng thời đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng, đủ nhiệt độ, đảm bảo mật độ nuôi.
Bên trong chuồng nuôi, bà con tiến hành sát trùng định kỳ bằng Bestaquam-S với liều 4 – 6ml pha cùng 1 lít nước rồi phun 1 tuần 2 – 3 lần.
Đối với việc xử lý chất thải, bà con pha trộn Ecotru với nước để xử lý với liều 1kg/1000m3 nước.
Tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng cho lợn
Pha Aura Shield L liều 2ml/lít nước và cho lợn uống 6 – 8 giờ/ngày, sử dụng 5 – 6 ngày để tăng cường miễn dịch cho lợn.
Tăng cường chức năng gan, thận và giải độc cho lợn bằng Soramin/Livercin. Pha thuốc với liều lượng 1ml/10kg thể trọng hoặc trộn cùng thức ăn.
Dùng Perfectzyme với liều 1kg trộn cùng 1 tấn thức ăn để cho lợn ăn nhằm giảm mùi hôi, tăng khả năng tiêu hoá thức ăn, giảm tiêu chảy và phân khô ở lợn.
Kiểm soát vi khuẩn kế phát
Xử lý các cá thể lợn có triệu chứng tiêu chảy và viêm phổi bằng việc dùng Nasher Quin với liều 1ml/10kg thể trọng. Kết hợp cùng Sumazinmycin liều 1ml/5kg thể trọng. Tiêm liên tục 1 – 2 mũi cho lợn. Đồng thời, giúp lợn tăng lực hồi phục nhanh bằng cách dùng Activation liều 1ml/10kg thể trọng.
Xử lý tổng đàn heo bằng kháng sinh trộn, bà con dùng Humulin 450 với liều 900g/1 tấn thức ăn kết hợp cùng Moxcin Vet 50 liều dùng 600g/1 tấn thức ăn. Có thể dùng cho lợn uống hoặc trộn vào thức ăn để cho đàn lợn dùng trong 10 – 14 ngày.
Xử lý các nốt đậu
Đối với các nốt đậu, bà con có thể dùng các thuốc như Iodine 5%, Xanh Methylen 10%, KMnO4 1‰, bôi trực tiếp lên vết đậu ngày 2 lần, bôi liên tục trong 3 – 5 ngày.
Bài viết vừa chia sẻ đến bà con nguyên nhân, cách nhận biết và biện pháp điều trị bệnh đậu ở lợn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bà con bỏ túi thêm nhiều kinh nghiệm trong việc khắc phục, xử lý khi lợn mắc bệnh.
Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!