Tổng hợp 04 điểm mới về quy định thức ăn chăn nuôi năm 2023

1785 lượt xem

Tổng hợp 04 điểm mới về quy định thức ăn chăn nuôi năm 2023

Tham vấn bởi luật sư Nguyễn Thụy Hân

Chuyên viên pháp lý Đình Huy

09:15 06/01/23

Công ty tôi hoạt động 05 năm về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tôi muốn biết trong năm 2023, quy định về thức ăn chăn nuôi có gì mới hay không? – Nam Hải (Hậu Giang).

Ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2023) quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi. Theo đó, quy định về thức ăn chăn nuôi có 04 điểm mới như sau:

1. Sửa đổi quy định về việc ghi nhãn thức ăn chăn nuôi năm 2023

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT đã sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT về thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y để phòng, trị bệnh cho vật nuôi như sau:

(1) Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ chứa thuốc thú y có thành phần kháng sinh để phòng, trị bệnh cho vật nuôi phải ghi đủ các thông tin:

– Tên và hàm lượng kháng sinh;

– Mục đích sử dụng kháng sinh;

– Hướng dẫn sử dụng;

– Thời gian ngừng sử dụng;

– Tên và địa chỉ trang trại hoặc cơ sở chăn nuôi (đối với trường hợp điều trị, điều trị dự phòng) trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành phù hợp với nội dung ghi trong đơn thuốc của người kê đơn thuốc thú y theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y.

(2) Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ chứa thuốc thú y không phải kê đơn theo quy định về thú y để phòng, trị bệnh cho vật nuôi phải ghi đủ các thông tin:

– Tên và hàm lượng hoạt chất có tác dụng phòng, trị bệnh;

– Mục đích sử dụng;

– Hướng dẫn sử dụng;

– Thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành phù hợp với hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thuốc thú y và pháp luật về quản lý thuốc thú y.

tonghop 4 diem 4

2. Thức ăn chăn nuôi phải thể hiện dấu hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường

Đây là nội dung mới được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT, cụ thể:

2. Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 như sau:

“5. Thức ăn chăn nuôi đã công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường phải thể hiện dấu hợp quy như sau:

a) Thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này: Dấu hợp quy được thể hiện trong tài liệu kèm theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thức ăn chăn nuôi không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này: Dấu hợp quy được thể hiện trên nhãn hoặc bao bì của sản phẩm hoặc trong tài liệu kỹ thuật kèm theo lô hàng khi lưu hành. Tài liệu kỹ thuật bao gồm các thông tin tối thiểu: Tên cơ sở chịu trách nhiệm về hàng hóa, địa chỉ sản xuất bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; tên sản phẩm; số tiêu chuẩn công bố áp dụng.”

Như vậy, từ ngày 20/02/2023, thức ăn chăn nuôi đã công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường phải thể hiện dấu hợp quy theo quy định nêu trên.

3. Thay đổi về thời hạn báo cáo tình hình sản xuất và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi 

Trước đây, theo Điều 5 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi phải được nộp định kỳ hằng tháng vào tuần đầu tiên của tháng tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT quy định cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi định kỳ hằng tháng trước ngày 07 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Lưu ý: Mẫu báo cáo được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT.

– Nơi gửi báo cáo: Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn.

– Hình thức nộp báo cáo:

+ Trực tuyến qua Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Dịch vụ bưu chính;

+ Fax;

+ Thư điện tử; hoặc

+ Gửi trực tiếp.

4. Thay đổi về mẫu báo cáo tình hình sản xuất và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi

Trước đây, mẫu báo cáo tình hình sản xuất và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi được áp dụng theo Phụ lục IV Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT.

Tuy nhiên, kể từ ngày 20/02/2023, mẫu báo cáo tình hình sản xuất và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi được thay thế bởi Phụ lục IV Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT.

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo.
Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc.

Nguồn:  PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!