Hà Nội: Ngành chăn nuôi trước tác động của dịch Covid-19

1989 lượt xem

{Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến giá cả các sản phẩm chăn nuôi của ngành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn lại  tiếp tục tăng làm cho người chăn nuôi không muốn đầu tư, duy trì hoạt động vì không có lãi và thậm chí thua lỗ.

Thứ nhất: Các trang trại chăn nuôi, chăn nuôi nhỏ lẻ phải đối mặt với giá cả đầu vào biến động. Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, giá thức ăn chăn nuôi biến động liên tục, khó lường. Nguyên nhân do việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài về khó khăn, do có vùng bị giãn cách xã hội việc vận chuyển lưu thông thức ăn chăn nuôi có nơi có lúc phải ngừng trệ. Trong khi đó việc chăn nuôi vẫn phải ăn hàng ngày. Việc chủ động dự trữ thức ăn chăn nuôi không được bình thường như trước đây. Hơn nữa việc dự trữ chuẩn bị thức ăn hàng ngày còn phụ thuộc vào vốn, việc bán sản phẩm chăn nuôi để có lượng kinh phí quay vòng. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn nếu ở các vùng bị cách ly do Covid-19 việc chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi tăng vọt làm người chăn nuôi rơi vào thế bị động.

thuc-an-chan-nuoi
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn

Thứ hai, dịch Covid-19 đến vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các vùng miền. Trên thực tế Hà Nội có số lượng đàn gia súc gia cầm lớn, việc xuất nhập gia súc gia cầm giữa Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại rất lớn, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm lượng tiêu thụ giảm mạnh. Đơn cử như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày có số lượng lợn giết mổ lớn ngày cao điểm lên tới trên 2000 con, từ năm 2020 đến nay việc vận chuyển lưu thông gặp nhiều khó khăn nên số lượng giết mổ giảm còn khoảng 1500 con, có thời điểm chỉ còn khoảng hơn 1000 con/ngày. Chợ tiêu thụ gia cầm sống Hà Vĩ (huyện Thường Tín) thời cao điểm tiêu thụ khoảng trên 50 tấn/ngày, thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 30 – 40 tấn/ngày.

Cũng do việc lưu thông khó khăn nên những cơ sở lớn như Lò mổ Vạn Phúc, chợ Hà Vĩ nhiều chủ lò mổ, nhiều tiểu thương phải dừng hoạt động do nguồn động vật bị hạn chế, nhất là các cơ sở phải nhập hàng từ Miền Trung và Miền Nam đến.

Thứ ba, giá bán sản phẩm chăn nuôi biến động, khó lường, tăng giảm bất thường làm người chăn nuôi, người kinh doanh, người tiêu thụ sản phẩm rơi vào thế bị động. Hà Nội có thế mạnh là có nhiều cơ sở trang trại chuyên sản xuất con giống cung cấp cho các tỉnh thành (kể cả các tỉnh miền Trung, miền Nam) nên việc tiêu thụ trong thời điểm dịch Covid luôn bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển lưu thông, giá biến động.

Đặc biệt khi phải vận chuyển lưu thông qua các vùng có dịch phải giãn cách xã hội. Có thời điểm giá bò giống đến gần 100 ngàn/kg, có khi lại xuống chỉ còn khoảng 70 – 80 ngàn/kg làm cho người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép, vừa khó tiêu thụ vừa bị giảm giá thậm chí thua lỗ do giá thành đầu vào tăng cao.

Tại thời điểm dịch Covid-19 cao điểm, việc tiêu thụ sản phẩm động vật gặp quá nhiều khó khăn do học sinh phải nghỉ học nhất là ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa (đặc biệt trong đợt dịch từ 27/4/2021 đến nay). Việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm đáng kể làm giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh.

Tại thời điểm thịt lợn chỉ còn khoảng 60 – 65 ngàn đồng/kg trong khi đó thời cao điểm lên tới 80 – 85 ngàn đồng/kg; giá gia cầm công nghiệp 25 – 30 ngàn/kg gà mầu 45- 50 ngàn đồng/kg trong khi đó thời cao điểm là 35 – 40 ngàn/kg và 60 – 70 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá thức ăn lại không giảm, tiếp tục tăng làm cho người chăn nuôi không muốn đầu tư, duy trì hoạt động vì không có lãi và thậm chí thua lỗ.

nganh-chan-nuoi

Thứ tư, các chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn thậm chí đứt gãy trong việc đầu tư chăn nuôi, giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chế biến nhất là các sản phẩm chế biến sâu (giò, chả, xúc xích …) không tiêu thụ được sản phẩm, nhất là các cơ sở tiêu thụ thường xuyên cho cấc trường học, nhà hàng khách sạn. Cũng từ đây tâm lý của những người xây dựng chuỗi liên kết cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đầu tư lớn trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm gặp quá nhiề  khó khăn, giá thành lại hạ.

Thứ năm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm là rất cao do mật độ đàn gia súc gia cầm lớn có thời điểm không tiêu thụ được. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù có sự quan tâm đặc biệt của các cấp các ngành song trên địa bàn Thành phố vẫn xảy ra  một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Cụ thể Cúm gia cầm xảy ra 32 ổ dịch ở 09 huyện, tổng tiêu hủy: 63 ngàn con. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 2 ổ dịch ở 02 huyện, tiêu hủy là 233 con. Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra ở 09 hộ/05 xã/ 03 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phương), tổng số mắc bệnh 21 con, tiêu hủy 05 con.

Theo dự báo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia hiện nay diễn biên dịch bệnh trên Thế giới và tại Việt Nam còn rất phức tạp, thời gian kéo dài, khả năng ở nhiều thời điểm, nhiều nơi, nhiều địa bàn có thể vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Để chủ động đối phó và khắc phục những khó khăn, tồn tại, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có những những phương án, giải pháp cụ thể trong công tác phát triển chăn nuôi và tiêu thụ động vật và sản phẩm, đó là:

Một là, tập trung tuyên truyền để người dân, công chức, viên chức, người lao động trong ngành làm tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố để mọi người mọi nhà không bị dịch bệnh đồng nghĩa với việc không bị giãn cách xã hội, cách ly từ đó đảm bảo việc lưu thông động vật và sản phẩm động vật. Việc tăng số người sử dụng sản phẩm chăn nuôi tăng cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển bình thường, ổn định.

Khi dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động xã hội được trở lại bình thường sẽ có vại trò rất quan trọng trong việc tăng nhanh lượng sản phẩm chăn nuôi sử dụng do các trường học, nhà hàng, khách sạn đi vào hoạt động. Điều này vừa giúp cho chăn nuôi phát triển vừa tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến đi vào hoạt động.

Hai là, phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, hiện tại diễn biến dịch bệnh rất phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch Covid19, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là quá cao. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn đó là tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc gia cầm. Cùng với đó, ngành cũng phát động tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn Thành phố, từ đầu năm 2021 đến nay đã thực hiện xong 02 đợt tổng tẩy uế môi trường, tập trung ở những nơi có ổ dịch cũ, nới có nguy cơ cao, bãi rác, hệ thống thoát nước thải; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn xóm để xử lý ngay các ổ dịch nhỏ lẻ phát sinh không để bùng phát thành dịch lớn.

Ba là, kích hoạt tạo điều kiện tốt nhất để các chuỗi liên kết hoạt động, đặc biệt với 40 chuỗi đã và đang hoạt động trong thời gian qua (điển hình như chuỗi thịt lợn của HTX Hoàng Long, Quốc Oai, chuỗi gà Tiên Viên, gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì, gà Mía Sơn Tây …); đưa các chuỗi này tiêu thụ sản phẩm cho các nhà hàng được phép tiêu thụ (bán hàng theo phương thực phục vụ tại nhà). Khi dịch bệnh ổn dịnh các hoạt động được trở lại ổn dịch, các chuỗi liên kết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ cho các khu du lịch, các trường học, nhà hàng khách sạn. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để lượng hàng tiêu thụ được lớn và phát triển bền vững.

Bốn là: Hợp tác với các tỉnh, thành phố trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện tốt nhất để gia súc gia cầm vận chuyển về Thành phố và ngược lại. Đặc biệt làm tốt hơn việc thông báo tới các cơ sở trang trại chăn nuôi trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội sẽ cập nhật thông tin kiểm dịch động vật hàng ngày với các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành có số lượng lớn gia súc gia cầm về các cơ sở giết mổ lớn, chợ kinh doanh gia cầm sống. Thông tin những địa bàn, khu vực bị giãn cách, cách ly để các tỉnh thành phố chủ động thực hiện lưu thông vận chuyển.

giet-mo

Năm là, tiếp tục nâng cao công tác quản lý dịch bệnh và kiểm soát giết mổ chế biến, xây dựng các khu, cơ sở trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan giữa người và vật nuôi, các bệnh mới phát sinh, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Nâng cao năng lực vận chuyển, kiểm soát giết mổ tập trung theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi, phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi. Đảm bảo 100% các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung các cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp, các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm được đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi, đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, đánh giá quan trắc môi trường theo quy định.

Sáu là, đề xuất các chính sách cho phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tiễn sản xuất khi phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn về phát triển chăn nôi và tiêu thụ sản phẩm. Như chính sách về đất đai, tài chính,tín dụng, thương mại, đầu tư khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất nông nghiệp, trú trọng đầu tư cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất, các chính sách chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, từ nhỏ lẻ sang tập trung, di dời các hộ chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi, các điển giết mổ nhỏ lẻ,  các cơ sở chế biến cho phù hợp với thực tiễn, quy định pháp luật.

Bảy là,  Phối hợp với các cơ quan truyền thông, kịp thời thông tin các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ sơ chế, chế biến có điều kiện để người dân chủ động tiêu thụ và yên tâm sử dụng. Tăng cường đào tạo năng cao năng lực quản lý cho các cán bộ công chức, viên chức quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y phù hợp với nhiệm vụ kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh hơn công tác thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định của Pháp luật về chăn nuôi thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình.

TS Nguyễn Ngọc Sơn

Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Lưu ý nhỏ: Nội dung trên website được tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu có bất kỳ tranh chấp nội dung liên quan tới bản quyền, vui lòng gửi E-mail tới: vieclamchannuoi@gmail.com hoặc gọi: 0924.899.333. Chân thành cảm ơn!